Thông tin đặt hàngX
Đang lưu đơn hàng
Cập nhật giỏ hàng

Ninh Thuận: Phát triển vùng nguyên liệu tại địa phương

- Ngày 26.01.15

Đến cuối tháng 9, trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh Ninh Thuận đạt 33,7 triệu USD, thì giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản chiếm 15,6 triệu USD. Như vậy có thể thấy thủy sản đóng góp quan trọng cho lĩnh vực xuất khẩu ở tỉnh Ninh Thuận.

Tuy nhiên trong bức tranh khá sáng sủa của xuất khẩu thủy sản, vẫn còn một góc khuất đáng lưu ý. Trước hết, mặt hàng thủy sản xuất khẩu chỉ thuần túy là tôm đông lạnh chứ không có bất kỳ loại thủy sản nào khác và đơn vị xuất khẩu duy nhất chỉ có Chi nhánh Công ty TNHH Thông Thuận - Ninh Thuận (gọi tắt Thông Thuận).

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty TNHH Thông Thuận. Ảnh: Văn Miên

Với lợi thế ấy, theo kế hoạch xuất khẩu năm nay là 3.500 tấn, tính trong 9 tháng qua, Thông Thuận đã xuất khẩu được 3.098 tấn sản phẩm tôm đông lạnh, tăng 84,28% so với cùng kỳ. Nhìn chung thủy sản (chủ đạo là tôm đông lạnh) tiếp tục khẳng định là một trong hai mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh với tốc độ tăng trưởng mạnh. Riêng đối với mặt hàng hải sản khô (cá cơm, cá nục…), trước đây từng tham gia xuất khẩu tại các thị trường Nga, Trung Quốc, vào thời điểm này gần như chỉ còn co cụm lại thị trường nội địa. Ngoài xưởng Chế biến thủy sản Đông Hải của Công ty CP Xuất khẩu nông sản tỉnh hoạt động cầm chừng với lượng hàng xuất thô không đáng kể, còn lại các cơ sở chế biến cá cơm khô vùng Cà Ná, Phước Diêm (Thuận Nam) qua đường tiểu ngạch, cũng đã ngưng xuất sang Trung Quốc. Các doanh nghiệp ở đây, do quy mô nhỏ, cũng chuyển sang làm gia công thủy sản xuất khẩu cho các công ty lớn.

Lý giải về sự thu hẹp chủng hàng thủy sản xuất khẩu, ông Lê Văn Nguyên, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Nguyên nhân chính vẫn là do các loại hải sản có giá trị kinh tế cao ở tỉnh ta chưa đánh bắt được nhiều. Thực vậy, trong sản lượng khai thác hàng năm từ 65.000 -68.000 tấn hải sản của ngư dân tỉnh ta đã có đến 80 - 85% là cá cơm, cá nục và các loại cá nổi khác. Cá tầng đáy không khai thác được nhiều, một số hải sản có giá trị như tôm hùm, mực, cua, ghẹ có sản lượng còn quá khiêm tốn, ngay cá thu Đầm đăng Vĩnh Hy ngon nức tiếng hay cá mú, cá bè đánh bắt được đều còn ít nên không đủ làm nguyên liệu cho nhà máy chế biến theo yêu cầu đặt hàng với số lượng lớn. Vì vậy chỉ còn tôm thịt nuôi có thể đủ làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Do giá bình quân mặt hàng tôm đông lạnh trên thị trường thế giới vẫn giữ ổn định ở mức cao nên Thông Thuận có nhu cầu thu mua tôm thịt rất lớn. Cùng với Nhà máy chế biến số 1 có công suất trên 3.000 tấn thành phẩm/ năm, Công ty vừa đưa vào hoạt động Nhà máy chế biến tôm đông lạnh số 2, sản xuất 8.000 tấn thành phẩm/ năm.

Nguồn nguyên liệu cá thu ở Vĩnh Hy (Ninh Hải) có giá trị xuất khẩu cao. Ảnh: Minh Quốc

Nếu lấy năng lực của 2 nhà máy của Thông Thuận so với diện tích thả nuôi ở tỉnh ta, có thể thấy rõ đầu ra của tôm nuôi ổn định. Trong năm nay, toàn tỉnh thả nuôi diện tích 970 ha, qua 9 tháng đã thu hoạch 6.500 tấn tôm (chủ yếu là tôm thẻ chân trắng) và đến cuối năm có khả năng vượt kế hoạch thu hoạch 8.250 tấn tôm của năm nay. Dễ nhận ra, để đủ nguyên liệu cho chế biến, Thông Thuận phải thu mua thêm các nơi khác. Tuy nhiên ngay tại tỉnh ta, trong thực tế Thông Thuận thu mua không được bao nhiêu, nguyên nhân vẫn là vì không cạnh tranh nổi với các doanh nghiệp khác. Trước đây để mua tôm tại địa phương, Thông Thuận thông qua các nậu vựa là 5 doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn các huyện, thành phố, nhưng nay các doanh nghiệp này không bán cho Công ty nữa mà đã chuyển sang bán trực tiếp cho các công ty lớn khác như Minh Phú, ngành xuất khẩu thủy sản miền Trung…bởi giá cao hơn. Để chủ động về nguyên liệu, ngoài vùng nuôi tôm riêng ở Bình Thuận, Khánh Hòa, Thông Thuận phải đến các tỉnh miền Tây thu mua.

Như vậy thực tế tăng trưởng của thủy sản xuất khẩu không tác động lớn tới các vùng nuôi tôm trong tỉnh. Theo Sở Công Thương, tỉnh ta (cụ thể thực hiện là Thông Thuận) phấn đấu từ nay đến cuối năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm đông lạnh đạt 10,85 triệu USD. Ông Lê Văn Nguyên cho biết thêm: Để đạt được mục tiêu này, Thông Thuận có yêu cầu tỉnh ta hỗ trợ nhưng điều này là ngoài tầm, bởi bán hay không bán hàng là quyền của các chủ đìa nuôi, sở chỉ có thể khuyến cáo Thông Thuận muốn cạnh tranh được cần phải nâng giá thu mua theo thị trường và có chính sách đầu tư, hỗ trợ người nuôi tôm, tạo mối quan hệ ràng buộc, tin cậy lẫn nhau”.

Qua thực tế nêu trên, có thể thấy rõ vùng nuôi tôm và doanh nghiệp xuất khẩu chưa đồng hành để cùng phát triển. Sẽ là lãng phí nếu với năng lực 2 nhà máy chế biến xuất khẩu lớn trên địa bàn lại không gắn được với vùng nuôi tôm trong tỉnh. Vì vậy theo chúng tôi, Thông Thuận cần có chiến lược phù hợp để tạo vùng nguyên liệu ổn định dành cho xuất khẩu tôm đông lạnh tại tỉnh.

Từ khóa: